Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

87,45% đại biểu Quốc hội đồng ý sửa đổi điều 60 Luật BHXH năm 2014 theo hướng cho phép người lao động (NLĐ) có nhu cầu được nhận trợ cấp BHXH 1 lần khi thôi việc.

Thông tin này khiến NLĐ hết sức phấn khởi bởi Quốc hội đã thấu hiểu nỗi khổ và lắng nghe ý kiến của họ. Qua chuyện này, bài học kinh nghiệm cần rút ra khi xây dựng pháp luật liên quan đến NLĐ là phải có cách tiếp cận phù hợp, bám sát thực tiễn và quan trọng nhất là phải lắng nghe ý kiến của tổ chức đại diện cho họ: Công đoàn.

Luật BHXH năm 2014 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Các cơ quan chức năng đang ráo riết lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật này. Qua nghiên cứu, Luật BHXH năm 2014 vẫn còn bộc lộ những bất cập, gây thiệt thòi không nhỏ đến quyền lợi NLĐ, cụ thể là cách tính tỉ lệ lương hưu hằng tháng.

Theo đó, từ ngày 1-1-2018, đối với lao động nữ, 15 năm đầu đóng BHXH được hưởng 45%, sau đó thêm 1 năm đóng BHXH chỉ được tính thêm 2% (so với hiện tại là 3%); đối với NLĐ nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm bị trừ 2% (hiện tại là 1%). Quy định này dẫn đến tỉ lệ lương hưu của lao động nữ giảm đột ngột khi so sánh giữa 2 đối tượng trước và sau năm 2018; tương tự như thế khi so sánh chế độ của NLĐ nghỉ hưu trước tuổi. Thực tế này sẽ dẫn đến việc lao động nữ ở các ngành thâm dụng lao động xin nghỉ việc hàng loạt, bởi nếu tiếp tục làm việc, tiếp tục đóng BHXH thì chế độ hưởng lại thấp hơn nếu nghỉ việc sau ngày 1-1-2018.

Do vậy, Luật BHXH phải xem xét, giải quyết bất hợp lý về chế độ khi thực hiện quy định nêu trên; cần có lộ trình hợp lý hơn đối với lao động nữ khi xác định tỉ lệ lương hưu tăng thêm của những năm đóng BHXH sau 15 năm đầu và đề nghị chỉ giảm trừ 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chế tài doanh nghiệp chây ì trích nộp, nợ đọng BHXH kéo dài và phải có giải pháp bảo vệ quyền lợi NLĐ tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn.

Đoàn Công Nguyên (quận Thủ Đức, TP HCM)

0 nhận xét :

Đăng nhận xét