Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Nhiều bạn trẻ không tìm được công việc phù hợp vì không biết mình thích làm gì, có khả năng làm gì.

“Đây là lần thứ tư em đến tìm việc ở sàn giao dịch việc làm. Tuy nhiên, lần nào em cũng không tìm được việc làm thích hợp. Nói thật lòng, em thấy báo đăng có tổ chức sàn giao dịch việc làm thì đến tìm thử coi có việc gì không, chứ cũng chẳng biết mình có thể làm việc gì”. Cô gái trẻ L.T.L.A ngập ngừng trả lời khi gặp chúng tôi tại sàn giao dịch việc làm, do Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên TP HCM tổ chức ngày 20/6.

Hy vọng “đổi đời”
Tương tự L.A là Trần Thị Thắm, đến từ quận 12, TP HCM. Thắm kể mỗi lần thấy báo đăng ở đâu sắp tổ chức hội chợ hoặc sàn giao dịch việc làm là cô lại lặn lội tìm đến, với hy vọng tìm được một công việc ổn định. Học xong lớp 11, Thắm phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình chăn nuôi, trồng trọt. Công việc vất vả nhưng thu nhập không bao nhiêu, nên nhiều lần cô muốn “đi làm trong cơ quan, xí nghiệp để đổi đời”.

Cách đây 7 tháng, Thắm xin được công việc trong một công ty chế biến thực phẩm ở quận Tân Bình, TP HCM, nhưng làm được 2 tháng thì phải nghỉ. “Công việc của em đòi hỏi phải đứng suốt ngày, tối nào về chân cũng sưng vù. Em không quen nên làm chậm, bị la hoài cũng nản. Làm được 2 tháng, em quyết định xin nghỉ vì không theo nổi”, cô hồn nhiên.

Lần gần đây nhất, Thắm xin làm nhân viên giao hàng của một công ty bán hàng qua mạng. “Mẹ em phải chạy vạy vay 5 triệu đồng để đóng thế chân cho công ty. Làm được 1 tháng, tiền lương lãnh ra trừ chi phí xăng xe, ăn uống, em chỉ còn dư 300.000 đồng. Thấy công việc cực quá, em không làm nữa. Đến giờ, em vẫn chưa lấy lại được tiền thế chân, vì người ta nói em phá vỡ hợp đồng. Trước đó, họ bắt em phải viết cam kết làm ít nhất 3 tháng mới được nghỉ”, cô kể.

Trả lời cho câu hỏi đây là lần thứ bao nhiêu đi tìm việc tại sàn giao dịch việc làm, cô gái trẻ lắc đầu: “Em không nhớ hết, chắc cũng khoảng 9-10 lần”!

“Thấy tuyển thì nộp đơn”
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Quốc Anh (quận 12), cho biết, nhiều lần phỏng vấn để tuyển lao động, ông nhận được những câu trả lời rất ngây thơ của ứng viên, như: “Em thấy công ty rao tuyển thì xin vô, chứ cũng chưa biết sẽ làm việc gì”, “Em nghĩ sau khi nhận vào thì công ty phải chỉ dạy rồi mới chính thức làm việc”.

Có thanh niên đã 22 tuổi mà khi đến xin việc phải có mẹ đi kèm. Mỗi khi nhân viên tuyển dụng của công ty hỏi, anh ta cứ quay sang hỏi lại mẹ. Thậm chí, có câu hỏi, bà mẹ trả lời thay cho con luôn! “Nói không phải quơ đũa cả nắm, rất nhiều thanh niên hoàn toàn không nghiêm túc khi đi tìm việc. Họ nghĩ được nhận thì tốt, không được nhận thì đi chỗ khác tìm. Thật tình mà nói, nếu nhận những người con cưng như vậy vô làm việc thì mình chiều không nổi đâu”, ông Sơn than phiền.

Để minh chứng cho chuyện kể của mình, ông Sơn mời chúng tôi tham dự một buổi phỏng vấn tuyển dụng của công ty. Hôm đó có 12 ứng viên dự tuyển vào 6 vị trí vận hành máy dập hộp carton đựng hàng xuất khẩu. Sau buổi phỏng vấn, có 4 người được chọn. Với 8 người bị đánh rớt, ngoài việc không trả lời được một số câu hỏi về chuyên môn, thì hỏi cái gì họ cũng “không biết”, “không quan tâm”.

Đơn cử là trường hợp ứng viên Ph.T.H (quê ở Vĩnh Long). Chị nhân viên nhân sự hỏi: “Tôi thấy trong hồ sơ bạn ghi là thích thể thao, vậy xin hỏi đội tuyển bơi lội Việt Nam tham dự SEA Games 28 có một nữ vận động viên rất xuất sắc, cô ấy tên gì?”. H. lắc đầu: “Em không quan tâm môn bơi lội”!

Sau khi bị đánh rớt, bước ra sân, khi chúng tôi hỏi có buồn không thì H. lắc đầu: “Có gì đâu mà buồn! Không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Mà họ hỏi cũng vô duyên, chuyện đứng máy thì liên quan gì đến SEA Games mà hỏi?”. “Chắc tại vì thấy bạn ghi trong hồ sơ tìm việc là thích thể thao...”, chúng tôi thăm dò. Anh ta nhún vai: “Bạn tôi bảo ghi cho đẹp hồ sơ thôi”.

Bà Nguyễn Ngọc Minh Châu, Giám đốc Công ty Tư vấn Nguồn nhân lực Sao Việt: Phải xác định thích việc gì, có thể làm gì...

Tôi đã tham dự nhiều sàn giao dịch việc làm để khảo sát xu hướng tìm việc của lao động trẻ hiện nay. Điều rất bất ngờ với tôi, là rất nhiều bạn trẻ đến sàn giao dịch hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm với tư tưởng “cầu may”. Đây là điều hoàn toàn không nên. Ít ra, các bạn phải xác định mình thích công việc gì và có khả năng làm gì. Có như vậy thì mới mong tìm được việc làm và bám trụ được với công việc.

- st Người Lao động


Có rất nhiều bạn đã gửi mail cho ad hoặc than vãn rằng môi trường đi làm phức tạp quá, tại sao mọi thứ không êm đềm như thời sinh viên....Đúng, môi trường công sở, xã hội luôn phức tạp như vậy và nó chả bao giờ là đơn giản cả.

Căn nguyên của sự phức tạp nó bắt nguồn từ cái gọi là TRÁCH NHIỆM và TIỀN BẠC. Nó gắn liền tới nồi cơm của từng người và hầu hết mọi người đều sợ TRÁCH NHIỆM và thích TIỀN BẠC nên mọi thứ nó luôn phức tạp, chứ không như hồi SV các bạn chơi và hoạt động cùng nhau không có 2 yếu tố này chi phối, nên nó rất là êm đềm.

Vậy, để sống sót được qua thời gian đầu mà không bị “đồng loại xa lánh” thì ít nhiều các bạn phải có kỹ năng MỀM.

Các kỹ năng như tiếng Anh, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ (không chỉ mỗi máy tính) thì đã có quá nhiều người nói rồi và tôi thì chỉ thích nói những điều mà chưa ai nói thôi...



....Bắt đầu...
1. KỸ NĂNG NHẬU:
Tuỳ từng văn hoá tổ chức mà tôi có quan điểm như sau muốn chia sẻ tới các bạn:

***Đối với các bạn nam:
Hãy sử dụng bia rượu 1 cách khôn ngoan và giữ hình ảnh của mình. Ai nên mời trước và mời trong hoàn cảnh nào (mọi tình huống phải mời trước mặt sếp bạn).v.v.v..Do đó, hãy cứ bình tĩnh, quan sát, đừng có thi nhau nhảy dựng lên cầm chai đi mời hết người này đến người nọ, chứng tỏ rằng mình tửu lượng cao.
Nói thật nhé, các bạn mới vào ai cũng tỏ ra mình nhiệt tình, mời hết sếp này đến sếp nọ…nhưng sếp nào cũng thế, không bệnh này thì bệnh nọ nên họ ko máu me như bạn nghĩ đâu. Hãy dành sức để khi đi chiến đấu thực sự.

***Đối với các bạn nữ:
Các bạn nên biết uống 1 chút để PHÒNG THÂN, vì các bạn khó có thể từ chối khi sếp bạn mời, TGĐ của bạn mời, TGĐ đối tác mời…nói chung bạn không thể thoát khỏi 2-3 chén đầu. Do vậy, chỉ cần đảm bảo các bạn biết uống để PHÒNG THÂN là đủ, còn lại bạn có quyền từ chối hết.

>>>> Hãy nhớ, trong thời gian đầu đừng có cố gắng chứng tỏ mình qua bia rượu. Bạn còn nhiều thời gian để làm điều đó 1 cách khôn ngoan.

2. KỸ NĂNG HÒA NHẬP:
*** Hãy tham gia hết các hoạt động của công ty cả chính thống lẫn phi chính thống và đảm bảo bạn có góp sức trong các hoạt động đó, đừng có đến rồi khoanh tay đi loanh quanh mà hay lao vào giúp và nói chuyện với mọi người .

*** Trong mọi tình huống, đừng bao giờ là người nhập cuộc đầu tiên mà hãy là người tham gia sau cùng. Bạn cần phải quan sát xem mọi người ứng xử thế nào để làm theo. Trong rất nhiều trường hợp, cuộc liên hoan sếp chưa kịp tuyên bố thì mấy bạn mới vào đã túm tụm “chiến đấu” trước rồi, điều đó sẽ để lại ấn tượng không tốt chút nào.

*** Bạn tiết kiệm là điều tốt, nhưng trong vài tháng đầu bạn đừng mang cơm đi mà hãy đi ăn với mọi người để hòa nhập và tạo không khí thân thiết.

*** Hãy mời mọi người 1 bữa liên hoan nhỏ khi bạn kết thúc thử việc, không cần phải hoành tránh nhưng đó là cái cớ để mọi người có thiện cảm với bạn và bạn có cơ hội nói chuyện nhiều hơn với mọi người.

>>> Hãy nhớ nguyên tắc, tìm mọi cách để HÒA NHẬP nhưng đừng bao giờ là người tham gia đầu tiên.

3. KỸ NĂNG HỎI:
*** Chọn người hỏi: Hãy chọn người vui vẻ, dễ tính và nhiệt tình để hỏi. Nên ưu tiên những người có cùng độ tuổi với bạn, điều đó sẽ thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều.

*** Chọn thời điểm hỏi: Trước khi hỏi hãy chắc chắn rằng người bạn hỏi đang rảnh hoặc sẵn sàng chia sẻ với bạn, đừng có sồn sồn lên chạy ra hỏi mọi thứ trong khi người ta đang bận bù đầu.

*** Cách thức hỏi: Hãy hỏi 1 cách chân thành và nghiêm túc, bởi vì đa số con người ta đều có tâm lý thích được thể hiện, nên các bạn hãy hỏi để họ có cơ hội được thể hiện.

Nhưng hãy nhớ, tìm hiểu kỹ trước khi hỏi, đừng hỏi lắt nhắt và những thứ vụn vặt, khi người bạn hỏi đã rảnh và chấp nhận hướng dẫn bạn thì hãy ra tận nơi, mang theo sổ và bút để ghi chép lại, 1 phần để không quên, 1 phần thể hiện bạn là người nghiêm túc.

>>> Luôn nhớ rằng phải CHÂN THÀNH. Lưu Bị từng 3 lần đến lều tranh đề xin Gia Cát Lượng giúp đỡ, do vậy người có tấm lòng chân thành không bao giờ bị phụ.

4. KIỀM CHẾ VÀ NHẪN NHỊN:
*** Hầu như các bạn sẽ bị sai vặt nhưng đừng bao giờ tỏ ra tức giận, bức xúc hay có thái độ không phải.

Tôi từng nhờ nhiều bạn làm việc vặt như đi lấy cái này cái nọ, đi làm cái nọ cái kia…nếu là người không biết kiềm chế và cạn nghĩ sẽ tỏ thái độ ngay nhưng nếu là người tinh ý bạn sẽ biết đó là cách người đi trước giúp bạn tác nghiệp dần với các phòng ban khác.
VD: Muốn lấy số công văn thì ra gặp ai? ai là người quản lý kho? Xuất cái này cái kia thì làm thế nào?

*** Hãy kiềm chế cơn giận: tuyệt đối không bao giờ phản hồi, trả lời ai khi đang nóng giận vì khi nóng giận bạn không còn giữ sự khéo léo nữa mà sẽ bật ra điểm yếu của các bạn. Đặc biệt là những cơn bực tức với đồng nghiệp cùng phòng, hãy kiềm chế để có hành xử đúng mực.

*** Hãy kiềm chế cái mồm của bạn: Tai họa từ miệng mà ra, cho nên trước khi bạn kể chuyện gì hoặc lấy chuyện gì làm quà hãy suy xét kỹ trước khi kể ra, vì nhiều khi mỗi người 1 ý bạn sẽ không lường trước được câu chuyện của bạn sẽ được hiểu theo hướng nào.

Bạn cũng nên cân nhắc trước khi trêu đùa ai, vì kỹ năng hài hước, duyên dáng không phải ai cũng có và chính bản thân bạn cũng không biết bạn vô duyên hay có duyên.

>>>> Kiềm chế là sức mạnh (mượn của TS. Lê Thẩm Dương), đó là công cụ để bạn lấy kiến thức của kẻ khác 1 cách nhẹ nhàng.

5. BIẾT CHO ĐI:
*** Hãy chủ động giúp đỡ người khác trong công việc, đừng có đến thì cắm mặt vào máy tính chờ đến giờ về lại cắp cặp về. Hãy để ý đến những người xung quanh bạn, hãy chủ động hỏi họ xem bạn có thể giúp được gì? Tôi cá là chả ai cần bạn giúp đâu nhưng 1 lời nói có sức tác động ghê gớm, nó thể hiện bạn là người biết quan tâm tới người khác. Tất nhiên, đừng có người nào cũng chạy ra hỏi “Cần em giúp gì không” lúc đó nó sẽ thành lố bịch khi bạn đang có dấu hiệu lấy lòng người khác.

*** Nếu đồng nghiệp của bạn có những khó khăn khác ngoài công việc mà bạn biết người có thể giúp hoặc có thể giúp thì đừng ngần ngại giúp họ.

Trung Quốc có câu rất hay rằng: “Một trong những cách cầu người hay nhất đó là gieo cho kẻ đó 1 món nợ”. Món nợ ở đây có thể là nợ tiền, vật chất hoặc nợ ân tình. Nếu các bạn giúp đỡ họ mà không tính toán gì, thì mai sau chẳng may bạn khó khăn cần trợ giúp thì họ sẽ vui lòng giúp lại bạn.

>>> Hãy nhìn Google, Facebook…họ giúp xã hội và người dùng 1 cách miễn phí nhưng họ vẫn giàu vì cho đi là cách nhanh nhất để bạn nhận về.

6. HÃY BIẾT ƠN:
Hãy biết cám ơn những điều nhỏ nhặt, cám ơn đồng nghiệp, cám ơn sếp.v.v.v.Đó là cách các bạn tôn trọng người khác. Kể cả khi bạn đã nghỉ việc thì thỉnh thoảng nên gọi điện hỏi han sức khỏe, hỏi han công việc những đồng nghiệp cũ, sếp cũ để thể hiện rằng bạn vẫn biết ơn họ.

Không cần quà cáp, đến nhà hay gì đó ghê gớm, mà chỉ cần 1 cuộc gọi đúng thời điểm và hợp lý là đủ. Có thể sẽ có những người bạn không ưa, nhưng hãy để trong bụng, bạn không ưa họ nhưng họ lại quý bạn chẳng phải tốt hơn sao?
…………………………………….

>>>> Có thể bạn thấy áp lực khi đọc xong những điều trên nhưng đó là cuộc sống, bạn không thể trách cuộc sống sao quá phức tạp, mà chỉ có thể trách mình không thể thích nghi được. Bạn nên nhớ, quãng thời gian đầu mới làm việc là thời gian quan trọng nhất, vì ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng là thứ khó quên nhất, nó theo con người ta rất lâu.

Có câu nói rất hay trên mạng mà tôi biết chính xác tác giả là ai (nếu ai biết thì comment giùm nhé): “Lý trí có hàng trăm con mắt, nhưng khi yêu tất cả đều đóng lại”. Trong thời gian đầu, bạn đang bị người khác đánh giá bằng lý trí.

Vậy hãy khôn ngoan nép mình lại, nếu trong thời gian này bạn tạo được ấn tượng tốt, mọi người đều yêu quý bạn thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và đương nhiên để được yêu thì bản thân bạn phải đáng yêu trước đã.

st

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Nhắc nhở, phê bình hay xử phạt chỉ là những biện pháp tức thời khi “sự đã rồi”, tức là khi nhân viên không hoàn thành công việc đúng thời hạn. Thực hiện một số cách sau đây, nhà quản lý có thể sẽ giúp cấp dưới hoàn tất công việc được giao vừa đúng hạn vừa đảm bảo chất lượng.

w620h405f1c1-files-articles-2015-1089483-deadline(1)

1. Thay đổi cách đưa ra thời hạn hoàn thành (deadline) cho mỗi đầu công việc

Theo cách truyền thống thì việc ấn định deadline thường là một chiều, người đưa ra deadline luôn là sếp và người nhận deadline luôn là nhân viên. Giờ đây việc này nên được thực hiện theo hình thức 2 chiều, tức là ngoài người giao việc thì người nhận việc cũng cần được tham gia vào việc ấn định deadline.

Trước tiên, hãy để nhân viên tự đưa ra deadline cho từng đầu công việc được giao. Bởi thứ nhất, hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhất khả năng, điều kiện hoàn thành công việc của mình.

Thứ nữa, khi deadline được ấn định dựa trên ý kiến của người thực hiện, họ sẽ có trách nhiệm hơn với lời hứa của mình, và tất nhiên, trong trường hợp không hoàn thành công việc đúng deadline, họ sẽ cảm thấy mình là người có lỗi, ít có suy nghĩ đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, và những lần sau đó họ sẽ cố gắng hơn.

Sau khi nhân viên đưa ra deadline theo ý kiến cá nhân, người quản lý sẽ căn cứ vào đó cùng kế hoạch đã định sẵn của mình để trao đổi lại với nhân viên và cả hai cùng thống nhất một deadline tối ưu.

2. Chỉ ra tầm quan trọng của mỗi đầu công việc nếu nó được hoàn thành đúng thời hạn.

Tránh để nhân viên chỉ biết việc của mình mà không quan tâm rằng nó cần thiết tới mức nào đối với các bộ phận, cá nhân khác.

Cần để nhân viên ý thức rằng mỗi nhiệm vụ của mình là một mắt xích trong chuỗi nhiệm vụ chung, một mắt xích bị khiếm khuyết sẽ gây lỗi cho cả hệ thống.

3. Chia nhỏ đầu công việc theo dạng lộ trình.

Việc để deadline quá xa sẽ dễ khiến người nhận việc xao nhãng hoặc không cân đối được thời gian thực hiện từng nhiệm vụ nhỏ trong đó, dễ để dồn việc vào hạn chót, và kết quả là không hoàn thành hoặc hoàn thành với chất lượng kém.

Chia nhỏ việc ra dựa trên mức độ cần hoàn thành ngay của chúng, đồng nghĩa deadline cho từng công việc sẽ gần hơn, người thực hiện sẽ có động lực để bắt tay ngay vào làm.

Tuy nhiên, để tránh phải dành quá nhiều thời gian cho việc kiểm soát, người giao việc nên chia nhỏ và giao cho người thực hiện tất cả đầu công việc trong nhiệm vụ chung kèm deadline ngay từ đầu, không nên để họ hoàn thành xong một việc rồi mới lại giao tiếp. Như vậy, vừa giảm nhẹ việc kiểm soát của người giao việc vừa để người thực hiện thấy được mối liên hệ giữa các công việc, nâng cao hiệu quả làm việc.

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Tôi làm việc cho một công ty từ tháng 4/2011 cho đến tháng 5/2015, đến tháng 5/2015 tôi xin nghỉ việc. Trước khi xin nghỉ, tôi đã thông báo cho người sử dụng lao động từ hơn 2 tháng. Nhưng khi tôi nghỉ đến nay đã hơn 1 tháng nhưng công ty vẫn chưa trả sổ bảo hiểm ? Vậy tôi nên làm gì ?

Vì công ty tôi dưới 10 người lao động nên không đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vậy khi tôi nghỉ việc tôi có được hưởng chế độ gì không ạ ?

Tôi rất mong quý báo giải đáp giúp về những thắc mắc trên.

Tôi xin chân thành cám ơn!

Phong Tuong

Xin được tư vấn cho bạn:

Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012 quy định:

“Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.

Như vây, bạn đã thực hiện quá trình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Việc báo trước của bạn là đúng thời hạn theo luật lao động. Do dó:

Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho bạn. Trong trường hợp công ty không trả lại sổ bảo hiểm cho bạn trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động, bạn có thể làm đơn kiến nghị đến Hòa giải viên lao động cấp quận, huyện nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu được hòa giải hoặc làm đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để được thụ lý giải quyết.

Khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật thì bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc (việc công ty không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho bạn.

Sử dụng thời gian hiệu quả chính là bí quyết của những người thành công, tạo nên sự khác biệt so với phần còn lại. Những sinh viên năng động giỏi giang nhất là người học tập, làm việc ngay cả khi nghỉ hè hoặc nghỉ lễ.

Trong cuộc đời mỗi con người thì việc học là một trong những việc quan trọng nhất. Chính quá trình học làm cho chúng ta liên tục tiến bộ, tăng thêm hiểu biết và đặc biệt là phát triển bản thân. Mỗi khi học được một điều mới chúng ta dường như trở thành con người mới. Khi đó, cách nhìn, cách đánh giá, cách giải quyết vấn đề cũng khác hơn, tinh tế và hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, trong khoảng 25 năm đầu tiên, đó là giai đoạn học tập trên ghế nhà trường, sinh viên là thời kỳ cuối của giai đoạn này. Đây là giai đoạn xây dựng những hiểu biết, kiên thức ban đầu, tạo nền tảng cho các giai đoạn tiếp sau. Có rất nhiều người hiểu không đúng về việc học tập khi còn là sinh viên, cho rằng học tập tốt các môn trong trường là đủ. Tuy nhiên trên thực tế có quá nhiều trường hợp sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm mà nguyên nhân cốt lõi là không đáp ứng được yêu cầu công việc, thiếu các loại kỹ năng khác nhau. Để đáp ứng được yêu cầu của xã hội sau khi ra trường, sinh viên không những phải học tập tốt trong trường mà còn phải học nhiều hơn ngay cả khi nghỉ hè. Các việc sinh viên nên làm dưới đây đều liên quan đến việc học với 3 yếu tố đó là kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ. Cụ thể các việc sinh viên nên làm gồm có:

1. Đi học các lớp kỹ năng

Cách đơn giản nhất để bổ sung những thứ còn thiếu đó là đi học. Sinh viên tùy theo là năm thứ mấy sẽ đến các lớp học kỹ năng khác nhau. Ví dụ đó là các lớp dậy tin học, ngoại ngữ, các lớp kỹ năng mềm, các lớp marketing, các lớp dạy sử dụng phần mềm chuyên dụng…


2. Tìm 1 công việc ngắn hạn

Công việc ngắn hạn sẽ đem lại cho bạn không ít kinh nghiệm thực tế. Hiểu biết về xã hội tăng lên đáng kể, phục vụ cho việc xác định mục tiêu lâu dài của chúng ta. Nếu bạn có thể hãy tìm công việc hỗ trợ cho chuyên ngành học ví dụ ở một xưởng cơ khí, một nhà hàng,…

3. Tham gia phong trào tình nguyện

Đó có thể là đợt làm từ thiện ở xa, hỗ trợ thí sinh thi Đại học, hay các nhóm hoạt động độc lập,… Tham gia các phong trào này các bạn sẽ có thêm kỹ năng làm việc nhóm, phát triển các mối quan hệ, biết cách giao tiếp với nhiều người ở nhiều lĩnh vực, địa phương khác nhau. Điều này đặt nền tảng cho kỹ năng giao tiếp của bạn.

4. Tự lên kế hoạch cho một chuyến đi

Khi sinh viên tham gia phong trào tình nguyện thì sẽ có ban tổ chức, có kế hoạch do người khác lập ra. Hãy rèn luyện khả năng tổ chức của mình, khả năng lên kế hoạch bằng việc cùng bạn bè tự tổ chức 1 chuyến đi có thể đi phượt, từ thiện…


5. Gặp gỡ gia đình, người thân

Đây là một việc không thể bỏ qua khi nghỉ hè. Tuy nhiên cần bố trí thời gian hợp lý vì có nhiều bạn dùng hầu hết thời gian nghỉ hè để về quê.

Để phát huy hiệu quả thời gian nghỉ hè, để học tập được nhiều điều bổ ích nhất sinh viên cần bố trí thời gian một cách hiệu quả. Đây cũng là một việc cần phải rèn luyện mới thành thạo được nhưng khi các bạn làm tốt thì hiệu quả sẽ rất cao. Sử dụng thời gian hiệu quả chính là bí quyết của những người thành công, tạo nên sự khác biệt so với phần còn lại. Những người thành công nhất, những sinh viên năng động giỏi giang nhất là những sinh viên học tập, làm việc ngay cả khi nghỉ hè hoặc nghỉ lễ.
 
Theo
Tạ Đức Tâm / Trí Thức Trẻ

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Các bạn sinh viên, các bạn đang lo lắng điều gì? Sau khi các bạn "oánh nhau" sứt đầu mẻ trán để bước vào cổng trường Đại học thì sau 4 năm các bạn sẽ làm gì tiếp theo?. Bài viết này sẽ dành cho những bạn sinh viên tay trắng (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) và 5 QUAN NIỆM SAI LẦM của các bạn sẽ khiến các bạn THUA TRONG "CUỘC CHIẾN" TÌM VIỆC.

 

1. PHẢI CÓ MỐI QUAN HỆ MỚI CÓ VIỆC LÀM:

Các bạn có bao giờ thử lên Google và search chữ "Việc làm", "Tuyển dụng" chưa? Tôi cam đoan với bạn có rất rất nhiều công việc được các Công ty đưa lên các trang mạng việc làm như Vietnamwork hay Careerlink.v.vv.v vậy nếu như phải có một mối quan hệ với anh Trưởng phòng hay chị Giám đốc nào đó, thì tại sao họ phải đăng những tin tuyển dụng này lên mà không tuyển dụng nội bộ hoặc chờ những anh Trưởng phòng hay chị Giám đốc nọ giới thiệu bạn vào? Tôi đồng ý nếu như bạn có mối quan hệ thì mối quan hệ này sẽ ít nhiều giúp bạn có lợi thế trong quá trình xin việc nhưng một Công ty tuyển bạn vào không phải để bạn ngồi đó hàng tháng và lĩnh lương (do bạn có quan hệ), mà bạn PHẢI TẠO RA GIÁ TRỊ CHO TỔ CHỨC ĐÓ, tức là sự hiệu quả trong công việc. Như vậy, yếu tố cốt lõi khiến nhà tuyển dụng chọn bạn chính là bạn có những KỸ NĂNG, TỐ CHẤT TỐT NHẤT ĐỂ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC ĐÓ. Cơ mà làm thế nào để có những kỹ năng đó, làm thế nào để xác định được các yếu tố mà một Công ty cần ở bạn? Tôi sẽ bật mí cho các bạn vào các bài viết sau

2. PHẢI MẤT TIỀN MỚI CÓ VIỆC LÀM:

Tôi không bàn luận về việc có hay không tình trạng chạy việc, giả sử nếu bạn chấp nhận bỏ ra vài chục triệu hoặc trăm triệu để mua về một công việc với mức lương hàng tháng là vài triệu, thì phải công nhận bạn là một Nhà đầu tư quá tồi tệ. Bạn sẽ mất bao lâu để hòa vốn???? Bản chất của xin việc là bạn phải chứng tỏ cho nhà tuyển dụng lý do mà họ phải thuê bạn, nó giống với việc bạn sẽ phải coi bạn là một "món hàng" và nhà tuyển dụng là "người mua" như vậy trong mối quan hệ này Nhà tuyển dụng sẽ phải bỏ tiền ra để mua kỹ năng, trình độ của bạn chứ không phải chiều ngược lại. Hãy nhớ một nguyên tắc, nếu bạn được trả lương là 5tr thì ít nhất bạn phải tạo ra giá trị nhiều hơn hoặc rất nhiều hơn số lương đó, lương càng cao tức là bạn phải có những kỹ năng, trình độ đặc biệt chứ không phải do khoản "đầu tư" kia. Và đương nhiên bài viết này không dành cho những thiếu gia chịu đầu tư để kiếm việc như tôi vừa nói bên trên

3. CÒN TẬN 4 NĂM ĐẠI HỌC CƠ MÀ CỨ TỪ TỪ...:

Bạn đã nghe câu "Thời gian trôi như chó chạy ngoài sân" chưa?. Nếu bạn đã đọc đến đây rồi thì bạn hãy thử tự kiểm tra lại xem nhưng năm tháng học đại học vừa rồi bạn làm được những gì? Tình trạng chung của các bạn là LƯỜI, như tôi đã nói ở Điều 2, các bạn phải có kỹ năng, kiến thức và tố chất để chứng tỏ với nhà tuyển dụng rằng bạn là người phù hợp nhất với công việc đó. Tôi thường thấy các bạn ghi trong CV mục Định hướng nghề nghiệp rằng "Muốn được tuyển dụng để học hỏi" hoặc "Trong năm tới sẽ cố gắng học hỏi để đáp ứng công việc". Tôi tiết lộ cho các bạn biết một bí mật khủng khiếp rằng đây là một sai lầm khi các bạn viết CV (cách viết CV tôi sẽ viết vào một ngày khác), Công ty đó không cần tuyển một học sinh đến để học việc mà họ muốn tuyển một người LÀM ĐƯỢC VIỆC, tức là bạn phải chứng minh được kỹ năng, trình độ của bạn hoặc ít nhất bạn phải chứng minh được bạn có khả năng nắm bắt và đáp ứng tốt công việc trong thời gian ngắn (cái này gọi là tố chất) và nếu bạn chờ sau khi ra trường mới tích lũy những thứ này thì đã quá muộn. Hãy tận dụng 4 năm học đại học để tích lũy các kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức để sau khi ra trường bạn có đủ "vũ khí" để đi xin việc.

4. CHỈ CẦN CÓ BẰNG ĐẠI HỌC LÀ XIN ĐƯỢC VIỆC:

Ngày trước khi bạn thi vào đại học chắc bạn có nghiên cứu cái gọi là tỷ lệ chọi rồi chứ? đi xin việc cũng như vậy và chỉ khác là tỷ lệ chọi sẽ là 1 đấu vài chục hoặc 100, thậm chí là vài trăm, lương càng cao thì tỷ lệ chọi càng cao. Bạn hãy xem xin việc là một cuộc chiến và bạn phải xác định đối thủ của bạn là ai? bạn có những vũ khí gì để chiến đấu và chiến thắng?.

Bằng đại học là một vũ khí nhưng đáng tiếc nó lại là vũ khí mà...ai cũng có, còn đối thủ của bạn là ai? đối thủ của bạn là những sinh viên mới ra trường như bạn, là những người đi du học về, là những người đã có kinh nghiệm đi làm 2-3 năm, là những người có quan hệ (nói ở Điều 1), là những người có tiền (nói ở Điều 2)..v..v..Vậy bạn làm thế nào để chiến đấu và chiến thắng? Câu trả lời là hãy chọn công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và khả năng mà bạn có và bạn phải tự học hỏi, trau dồi những kỹ năng trình độ này ngoài tấm bằng đại học để bạn có thể cạnh tranh được trong cuộc chiến xin việc này.

5. CÔNG TY NÀO CŨNG ĐÒI HỎI KINH NGHIỆM:

Về lý thuyết là đúng như vậy nhưng các bạn thường quan niệm có kinh nghiệm tức là đã ra trường và đi làm, đây là một sai lầm. Có kinh nghiệm ở đây được hiểu bạn đã từng đi làm công việc tương tự hoặc làm những công việc mà đòi hỏi những kỹ năng tương tự công việc mà bạn đang ứng tuyển, vậy tại sao bạn không tích lũy kinh nghiệm trong quãng thời gian 4 năm học ĐH? Có rất nhiều công việc bán thời gian dành cho sinh viên, các bạn hãy chăm chỉ, chịu khó và phải xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu đó là TÍCH LŨY KINH NGHIỆM không phải là kiếm tiền (đây là lý do thứ yếu). Những công việc bán thời gian như nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân, nhân viên chạy bàn...đây là các công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, chỉ đòi hỏi sự chịu khó của các bạn (nếu không thì họ đã không tuyển bán thời gian cho SV), các bạn chỉ mất công để học mà lại được tiền, vậy tại sao các bạn còn chưa thử?

LỜI KẾT: Bản chất của xin việc là một quá trình bán hàng mà bạn là "món hàng" còn nhà tuyển dụng là "người mua hàng", bạn hãy lên một kế hoạch trong 4 năm đại học để tạo ra giá trị gia tăng cho "món hàng" càng nhiều càng tốt và sau đó hãy học cách truyền thông cho "món hàng" đó (đi xin việc).

Hãy share nếu bạn thấy có ích và hãy comment những điều bạn lo lắng và thắc mắc, tôi sẽ chia sẻ tiếp trong các bài viết sau.

- st

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Có rất nhiều lý do khiến bạn thất nghiệp và cũng khó có thể tránh được một trong những lý do bạn vẫn mãi thất nghiệp, vẫn mãi gửi cả chục cái CV những chẳng nhà tuyển dụng nào gọi chính là những lời nói của bạn hàng ngày, đầy ngôn từ tiêu cực, đầy nỗi thất vọng về bản thân.

Gần đây, một tổ chức về giáo dục đã có những cuộc điều tra và nhận thấy rằng đến hơn 85% ứng viên tìm việc làm nói rằng họ luôn thường trực những câu nói tiêu cực trong đầu, những câu nói này xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu họ. Tâm lý của con người đều có những điểm chung nhất định: khi thất bại thì thất vọng, khi bế tắc thì chán nản, khi không có việc thì lo lắng, cáu bẳn và đôi khi cảm thấy bất lực.

Có điều chúng tôi khuyên thành thật bạn là: Đừng bao giờ trở nên tiêu cực hay chán nản, ngay cả khi bạn thất nghiệp, có thể bạn ăn bám cả tháng trời thì hãy cứ bình tĩnh. Bạn hãy nghĩ thử xem, chúng ta có đôi bàn tay, có khối óc, có tất cả để suy nghĩ tìm kế mưu sinh chúng ta chẳng có gì xấu hổ hay tuyệt vọng chỉ vì dăm bữa nửa tháng nộp cả chục cái CV và chẳng có nhà tuyển dụng nào gọi bạn đi phỏng vấn cả.

Nhớ một điều duy nhất là “muôn sự tại nhân” đừng bao giờ đẩy bản thân mình sập bẫy của tuyệt vọng chán trường và tránh xa những câu nói tiêu cực. Đây là 3 câu nói tiêu cực người thất nghiệp dài hạn hay nói nhất:

1. Người ta không nhận tôi đâu, vì tôi chẳng có kinh nghiệm

Câu nói này thường gặp nhất với sinh viên mới ra trường, những tân cử nhân vừa tốt nghiệp, họ ở trong trường đại học, học tất cả những thứ trường đại học đề ra, học đủ tín chỉ, hàng tháng đợi tiền bố mẹ ở quê gửi lên ăn uống rồi lại học hành cho đến khi ra trường. Những con người này có nét lo lắng chung là chẳng dám ra bươn trải đời vì sợ lừa lọc, sợ bố mẹ buồn lo lắng nhưng lại cứ ngồi trong đấy giếng nhìn ra ngoài, thỉnh thoảng đọc bài báo nói về “sinh viên thất nghiệp” lại giật mình thon thót, nằm trong chăn nghĩ về cảnh mình thất nghiệp rồi lại than thân trách phận nói rằng hệ thống giáo dục đào tạo chán , xã hội này thật chán.

Bạn đã từng nghe những câu chuyện về con ếch ngồi trong nồi nước đang đun trên bếp chưa? Có một con ếch không may bị rơi vào nồi nước lạnh đang chuẩn bị đun nóng, lúc nhảy vào thì nó thấy rất dễ chịu vì nước lạnh nhưng ấm dần, ấm dần nó nẳm im và tận hưởng sự sung sướng cho đến khi nước nóng đến độ rực lên và toàn thân nó tê liệt, nó chẳng thể nhảy ra nồi nước được nữa vì đâu đâu cũng là nước nóng. Nó đã chịu bỏ mạng trong đó.

Bạn đừng bao giờ như những con ếch, khi vào trường đại học mọi thứ trở nên dễ chịu, vì hàng tháng có tiền sẵn tiêu sẵn ăn, sẵn mua sắm nhưng càng những năm cuối khi ra trường bạn càng bị những sức ép giống như nước đang sôi lên vậy và bạn thấy sợ hãi thấy bất lực, thấy cuộc đời thật tăm tối vì khi bạn ra trường nếu bạn không kiếm được một công việc đủ nuôi bản thân, vẫn để bố mẹ lo lắng.
Nếu còn là sinh viên thì hãy nghĩ mình thật may mắn, thu xếp lịch học và ra ngoài làm bất cứ công việc part – time nào dù lương có thấp hoặc chẳng có lương thì hãy cứ làm, đừng chăm chăm nghĩ vào thu nhập khi công ty đang mất phí đào tạo bạn, bạn sẽ dần dần có những tác phong làm việc tốt, có chuyên môn trong ngành nghề nào đó, cũng chẳng bao giờ lo lắng khi chẳng may đọc được những bài báo nói về cả trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, hãy cứ vô tư đi. Chẳng có gì là đáng sợ cả.

Còn nếu bạn là cử nhân đã ra trường, nộp CV cả chục công ty đều không nhận thì hãy vứt bỏ cái sĩ diện như “ta có bằng đại học”, “ta tốt nghiệp loại giỏi”, “ta phải làm bàn giấy” đi. Hãy tức tốc đi tìm những nơi họ tuyển những việc làm cần nhiều nhân sự và không kén nhân viên như: tuyển nhân viên bán hàng, tuyển bảo vệ, tuyển sinh viên làm thêm… đừng ngần ngại làm những công việc đó trước đã để kiếm thêm thu nhập nuôi bản thân, đỡ đần gia đình quan trọng hơn là kiếm kinh nghiệm, kiếm kỹ năng xây dựng những mỗi quan hệ để tìm việc làm tốt hơn sau này.

2. Nghề đó chẳng phù hợp với tôi gì cả

Từ khi sinh ra tất cả chúng ta đã có những thứ không được lựa chọn, ngay cả khi thi đại học chắc gì bạn đã được lựa chọn ngành bạn thích, hay là để bố mẹ chọn ngành cho bạn, hay thi chỉ đơn thuần thấy cái tên đó thích, thích ngôi trường đó…

Đến 95% sinh viên vào trường đại học được hỏi câu “bạn có thích ngành bạn học không?” đều câm lặng không có câu trả lời của bản thân, vì các bạn thậm chí chưa hiểu vào học ra để làm cái gì chứ đừng nói là học sao cho giỏi để áp dụng vào thực tế.

Và cũng thật đau lòng khi phần lớn trong số họ khi ra trường đều không làm ngành họ học, làm những công việc trái ngành, rồi lại ngậm ngùi bảo nhau: Nghề chọn mình, chứ mình không được chọn nghề.

Có một thực tế chẳng ai dám thừa nhận là tất cả chúng ta đang không dám tin vào bản thân mình sẽ làm được gì nên làm cái gì cũng thấy khó khăn, chán nản rồi bỏ cuộc giữa chừng. Bạn có tin rằng ngành nào cũng phù hợp với bạn không? Vấn đề là mau hay chóng thôi, vấn đề là có chịu học hỏi, luyện tập và thay đổi không?

Chính vì thế, AYP khuyên bạn hãy khi ra trường nếu chưa tuyển được công việc ưng ý thì hãy cứ làm những việc đang có nhu cầu tuyển dụng, hãy làm nó, tích lũy kinh nghiệm và tin rằng sau này bạn sẽ dùng đừng chán vội, đừng bỏ cuộc nhanh chóng. Nếu không cả đời này bạn cũng chẳng bao giờ biết bạn thích gì với những cuộc thử nghiệm chớp nhoáng như thế đâu.

3. Công việc đó bóc lột sức lao động, lương thấp, tôi không làm

Đứng vào vị trí của một ông chủ bạn sẽ nhận ra rằng khi bỏ ra một đồng tiền, ông chủ nào cũng muốn thu về càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Và dĩ nhiên, khi thuê bạn cũng vậy, ông chủ mong muốn bạn càng làm nhiều việc càng tốt. Ok. Bạn có thể nhận ra điều đó: rằng mình đang bị lợi dụng, đang bị bóc lột.

Nhưng bạn hãy nghĩ lại mà xem, bạn mới ra trường, bạn chẳng có cái gì tay ngoài tấm bằng đỏ vừa mới ráo mực, bạn có quyền gì để yêu cầu nhà tuyển dụng trả cho bạn lương cao trong khi bạn vẫn chưa làm nên cái gì cho họ. Bạn tiêu tiền của bố mẹ bạn, những đồng tiền mồ hôi nước mắt và tưởng rằng kiếm tiền là dễ dàng nhưng nó khó khăn và vất vả hơn nhiều bạn tưởng đấy.

Chính vì thế hãy thầm cảm ơn vì bạn đã có chỗ làm, chỗ học hỏi kinh nghiệm, dù lương thấp nhưng nó cũng giúp bạn biết quý trọng đồng tiền hơn, ông chủ cho bạn nhiều việc hãy cố gắng hoàn thiện hết sức bạn sẽ làm được những điều ngoài sức tưởng tưởng của mình và có thêm nhiều năng lực và kinh nghiệm. Rồi khi bạn đủ lông đủ cánh, có kinh nghiệm và có chỗ đứng bạn, lúc này bạn có thể làm điều bạn muốn bất cứ điều gì… chẳng ai có thể ngăn cấm bạn cả.

-Theo internet-