Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

 1. Liệt kê các công việc vào buổi sáng hằng ngày.

Liệt kê các công việc cần làm trong ngày ra một tờ giấy hoặc trên máy vi tính cũng được. Lưu ý chỉ cần liệt kê ra và chưa vội sắp xếp vội vì nếu như thế thì chúng sẽ rất bị rối trong việc nên làm việc gì và không nên làm việc gì. Não chúng ta không thể làm một lúc nhiều việc được.

2. Xác định ưu tiên.

Sắp xếp thời gian mỗi ngày để giải quyết các công việc ưu tiên và cũng cần linh hoạt dành đủ thời gian cho những việc bất ngờ xảy ra. Hãy học cách nói “không” với những việc không phải là ưu tiên.

3. Xác định khoảng thời gian cho mỗi công việc.

Chúng ta nên xác định khoảng thời gian cho mỗi công việc và thời gian bắt đầu, kết thúc. Và một điều rất quan trọng là các bạn sẽ thắc mắc là trong khi thực hiện công việc này lại bị công việc khác quan trọng hơn xen vào thì làm thế nào? Theo nghiên cứu chúng ta nên trừ khoảng thời gian 20% để dự phòng. Đừng quên những việc nhỏ, nhưng tập trung chúng lại. Chớ để cho các việc nhỏ trôi đi, tốt nhất là dành 30 phút mỗi ngày cho các công việc này. Nhưng đừng để phải mất công nhiều lần chạy đi chạy lại ra máy photocopy, và dành các cuộc điện thoại để một lần nhấc máy gọi luôn thể. Hãy tách thời gian ra những khoảng thời gian nhỏ để tận dụng tối đa nó.

4. Tập cho mình tính kỷ luật, và thói quen.

Thay vì thường xuyên kéo lê cả đống việc, cần xác định hạn chót để hoàn thành từng công việc. Một mẹo nhỏ là nếu cần hoàn tất một việc vào 5h chiều thứ Năm thì hãy bắt mình kết thúc vào lúc 12h trưa. Nên giải quyết các việc khó trước, sau đó tha hồ... dạo chơi. Cuối cùng chúng nên tập cho mình thói quen làm việc chăm chỉ và có kế hoạch trước đó chính là dấu hiệu của người thành đạt!

- st
 Ảo tưởng về bằng cấp, quá tự tin về bản thân, coi thường những cơ hội có trong tay đang khiến nhiều sinh viên mới ra trường đánh mất đi các cơ hội làm việc.

Sau tốt nghiệp sinh viên không còn những thách thức giản đơn là kiểm tra, bài vở bởi “trường đời” vốn khó khăn hơn rất nhiều.
Đỗ đại học với nhiều sinh viên đã là cái gì đó cực kỳ thành công và to lớn so với nhiều người khác. Dĩ nhiên, đại học vốn đã là con đường hẹp, rất nhiều học sinh tốt nghiệp lớp 12 đã không thể chạm chân tới. Nhưng việc coi đỗ đại học đã là thành công quá to lớn đã khiến nhiều sinh viên tăng sự “ảo tưởng” về sức mạnh của tấm bằng đại học sau khi ra trường. Họ coi tấm bằng đại học như công cụ, “vũ khí” để giúp họ có thể làm việc ở bất cứ nơi nào họ muốn, hay đưa ra những yêu cầu cao trong công việc và những điều kiện làm việc với nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, thực trạng chung của sinh viên khi mới ra trường là các nhà tuyển dụng sẽ tốn mất vài ba tháng, thậm chí là một thời gian dài để đào tạo lại từ đầu cho họ. Bởi thực tế, những kiến thức các sinh viên có được khi ngồi trên ghế giảng đường không thể đáp ứng được những yêu cầu của công việc thực tế.

Không chỉ dừng lại ở tấm bằng đại học rất nhiều sinh viên ra trường đã tiếp tục chọn học lên thạc sĩ. Họ học chẳng phải vì muốn gia tăng kiến thức cho bản thân mà chủ yếu là để có bằng thạc sĩ sẽ giúp tìm kiếm được nhiều cơ hội việc làm ở những chỗ tốt hơn hay những lý do trời ơi khác là chưa muốn đi làm, vẫn muốn được bố mẹ nuôi ăn học hay học thạc sĩ cho đỡ… chán trong khi chưa tìm được việc làm.

Không phủ nhận việc có bằng thạc sĩ nhiều người cũng đã thuận lợi hơn trong công việc. Nhưng với những người chỉ học chưa biết để làm gì, sau khi lấy bằng, họ vẫn tiếp tục long đong để tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp. Cám cảnh “cao không tới, thấp không thông” khiến họ trở nên lạc lõng nơi đời thực. Vì thế mà cũng đã có những trường hợp các thạc sĩ nhà ta ngậm ngùi cất tấm bằng học cao để đi làm công việc chân tay để kiếm sống.

Từng tuyển dụng rất nhiều sinh viên mới ra trường, chị Hoa - giám đốc một trung tâm nghiên cứu chia sẻ: Mình cũng từng gặp khó khăn để tìm việc khi mới ra trường nên cũng muốn tạo điều kiện cho các em khóa dưới. Nhưng thực tế, rất nhiều sinh viên đang không biết mình là ai, đang đứng ở đâu. Họ thiếu từ kiến thức chuyên môn tới những kỹ năng sống, ứng xử tối thiểu ngoài đời thường. Không biết cảm ơn hay đón nhận những cơ hội người khác tạo cho. Nhiều lần mình từng ngán ngẩm khi các tân sinh viên xin phép lui lịch phỏng vấn vì những lý do cực kỳ trời ơi như phải đi ăn cưới, đang ở quê, bận việc riêng… Nhiều em cũng đưa ra những yêu cầu công việc, lương thưởng vượt xa với năng lực của mình nên dù có muốn tuyển dụng nhân viên đến mấy bên mình cũng đành lắc đầu.

Tìm kiếm và làm tốt một công việc vốn không dễ dàng dù nó là đúng chuyên ngành bạn được đào tạo.

Lan Anh, phó phòng một công ty truyền thông chia sẻ: “giờ mình cảm giác sinh viên mới ra trường họ khác quá, cơ hội người khác đưa tới tận nơi vẫn thản nhiên ném đi không thương tiếc. Mình có quen một em học trường Kinh tế, ra trường bằng giỏi, tiếng Anh khá tốt nên muốn giới thiệu việc làm ở vài chỗ quen biết cho em nhưng đã bị từ chối thẳng thừng vì chỗ đó em thấy những công việc không xứng với năng lực của mình. Với cách tìm việc làm kiểu “kén cá chọn canh” nên hơn 1 năm sau khi ra trường mà em vẫn đang thất nghiệp”.

Phóng viên Sống Mới cũng từng chứng kiến Thu Trang một sinh viên năm 4 thản nhiên bình luận về công việc của một vài anh chị khóa trên: công việc đúng ngành nhưng lương thì bèo bọt, 4-5 triệu một tháng sao đủ sống. Em ra trường việc phải 6-7 triệu mới làm không thì chơi cho khỏe. Nhưng sau 2 năm ra trường, Trang vẫn không thể tìm được một công việc ưng ý, thậm chí đã phải đi làm những công việc lương 2,5-3 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống.

Có lẽ, các sinh viên ngồi trên ghế giảng đường chỉ được học về kiến thức lý thuyết và luôn được các thầy cô “vẽ ra” những cơ hội việc làm họ có thể có được khi ra trường. Cùng với đó, khi đỗ được vào đại học họ được khen ngợi, tung hô, thậm chí được coi như “niềm tự hào của gia đình” đã khiến các sinh viên này quá ảo tưởng về sức mạnh bằng cấp . Tuy nhiên, khi xét trên bình diện số trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam đang nhiều như nấm sau mưa, mỗi năm có cả triệu sinh viên ra trường cần có công việc, trong đó số trường đào tạo tại Việt Nam xứng tầm với chuẩn chuẩn quốc tế hoặc đào tạo thực tế để sinh viên ra trường có thể hòa nhập ngay với công việc lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, tình trạng khá nhiều sinh viên tốt nghiệp không biết mình đang đứng ở đâu đang khiến các nhà tuyển dụng lắc đầu ngán ngẩm.

“Tìm kiếm một công việc vốn không hề dễ dàng”; “khó có thể có công việc nào vừa nhàn hạ vừa lương cao”; “biết mình đang đứng ở đâu” có lẽ là những điều các sinh viên mới ra trường cần được xác định cho rõ. Nếu không họ dễ dàng bị lạc lõng, sốc tâm lý trong thời gian dài sau khi ra trường và phải đối mặt với sự khó khăn, khốc liệt nơi đời thực vốn chẳng hề có màu hồng như suy nghĩ.

Như Quỳnh - Songmoi.vn


 Khi đứng ở ngã ba đường của những sự lựa chọn, tâm lí bạn rất dễ bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác. Đôi khi ta chỉ thấy le lói một ý kiến tích cực trong hàng tá ý kiến tiêu cực và muốn bỏ cuộc ngay lập tức. Cái đầu bình tĩnh là rất cần thiết cho lúc này.

Đó là một dị bản truyện “Đẽo cày giữa đường” mà tôi được nghe hồi bé. Bác nông dân trong câu chuyện không có chính kiến của mình, “gió chiều nào theo chiều ấy” nên dù có khúc gỗ tốt, bác cũng không đẽo nổi cái cày. Bài học rút ra từ câu chuyện dân gian ấy vẫn còn đúng đến tận bây giờ. Thậm chí, càng lớn tôi càng thấy “ngấm” tư tưởng của các cụ về việc kiên trì theo đuổi con đường của mình đến cùng.

Ngày xưa, có một bác nông dân rất nghèo, bác muốn có một cái cày để tăng năng suất và đỡ vất vả hơn. Một hôm, bác có khúc gỗ tốt nhưng bác lại chưa đẽo cày bao giờ, thế là bác mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo và hỏi ý kiến mọi người. Người này bảo bác đẽo nhỏ quá, người kia bảo bác đẽo to quá, 9 người thì 10 ý…họ cứ bảo sao, bác lại sửa theo như thế. Đến cuối ngày, bác chỉ còn lại khúc gỗ nhỏ xíu và không có cái cày nào hết.

Đó là một dị bản truyện “Đẽo cày giữa đường” mà tôi được nghe hồi bé. Bác nông dân trong câu chuyện không có chính kiến của mình, “gió chiều nào theo chiều ấy” nên dù có khúc gỗ tốt, bác cũng không đẽo nổi cái cày. Bài học rút ra từ câu chuyện dân gian ấy vẫn còn đúng đến tận bây giờ. Thậm chí, càng lớn tôi càng thấy “ngấm” tư tưởng của các cụ về việc kiên trì theo đuổi con đường của mình đến cùng.

Mỗi chúng ta đều là một “bác nông dân” như vậy. Bạn có thấy từng việc bạn làm, từng quyết định bạn đưa ra, từng lối rẽ bạn chọn, lúc nào cũng có “người đi qua” và góp ý cho bạn không? Bạn bị lạc vào mê cung của những lời khuyên, bị rối và bế tắc. Theo tôi, đây có lẽ là một nguyên nhân dẫn đến stress và tệ hơn là cảm giác thất bại cùng suy nghĩ “mình sẽ chẳng bao giờ làm được gì ra hồn” luôn đeo bám bạn khi bạn cứ mù quáng tin rằng “người ta bảo chẳng có ai làm được đâu” hay “người ta bảo khó lắm đấy”.

Vậy nên trước khi làm bất cứ cái gì, hãy tự hỏi:

Ai là người thực hiện? Bạn.

Ai là người chịu trách nhiệm? Bạn.

Ai là người hưởng thành quả? Bạn.

Ai là người lãnh hậu quả? Chỉ Bạn mà thôi.

Khi đứng ở ngã ba đường của những sự lựa chọn, tâm lí bạn rất dễ bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác. Đôi khi ta chỉ thấy le lói một ý kiến tích cực trong hàng tá ý kiến tiêu cực và muốn bỏ cuộc ngay lập tức. Cái đầu bình tĩnh là rất cần thiết cho lúc này. Bạn nên sáng suốt nghĩ xem điều gì phù hợp, điều gì không phù hợp với mình. "Dục tốc bất đạt", đừng vội vã nghe theo tất cả mọi người như bác nông dân rồi hỏng việc.

Bản thân tôi thấy có ba loại lời khuyên như sau:

1. Lời khuyên của người chẳng hề muốn bạn thành công. Họ ghen tị rồi ra sức phê phán, gây khó khăn cho bạn bởi họ sung sướng khi thấy bạn thất bại. Nếu muốn thỏa mãn những người này thì hãy nghe theo họ.

2. Lời khuyên của người không muốn làm mất lòng bạn. Chúng vô thưởng vô phạt, thực sự thì có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Tuy không làm bạn ức chế như loại 1 nhưng những ý kiến chung chung, không đề xuất được giải pháp ấy chẳng giúp ích gì cho bạn hết.

3. Lời khuyên từ những người muốn thấy bạn thành công. Họ cho lời khuyên vì đơn giản họ nghĩ như vậy sẽ tốt cho bạn. Dù ủng hộ hay phản đối, lời khuyên nhẹ nhàng hay cay đắng, chua chát ra sao, đó cũng chỉ là quan điểm của cá nhân họ. Bạn thấy hợp thì nghe và làm theo, không thì thôi. Mọi lời khuyên không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng.

Suy cho cùng, người quyết định lại vẫn là bạn đấy. Khi bạn đã chọn thì đừng tiếc nuối vẩn vơ hay trách móc ai hết: “…tiếc làm gì cho phí phạm, mỗi lúc mình chỉ có thể quyết định điều gì tốt nhất vào lúc đó thôi cưng, mình làm sao biết được quyết định đó là tốt nhất hay không, đời thì dài, chết có khi cũng còn chưa là kết thúc thì làm sao tính được?”(Bất hạnh là một tài sản – tập Một mình ở châu Âu – Phan Việt)

Tóm lại, nên lắng nghe và tiếp thu góp ý của người khác nhưng đừng quên nghe xem chính mình muốn thế nào vì điều này mới thực sự quan trọng. Hãy đẽo một cái cày thật tốt hoặc chuẩn bị bất cứ công cụ gì bạn có để sẵn sàng làm việc. Bạn chỉ có một cuộc đời để sống và tuổi trẻ có lẽ là quãng đời mà người ta liều nhất nhưng cũng mắc nhiều sai lầm nhất. Bạn trẻ à, dũng cảm lên, đừng run sợ hay nản chí bởi ai cũng có một tuổi trẻ như thế.

“Hãy học từ sai lầm của người khác. Bạn sẽ không bao giờ sống đủ lâu để phạm phải tất cả sai lầm.” – Groucho Marx
- st


Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2015 mới nhất

Khi người lao động không có việc làm hay đang thất nghiệp thì cái mà họ cần đó chính là thu nhập hàng tháng để đảm bảo duy trì cuộc sống qua những ngày khó khăn. Chính vì vậy mà bảo hiểm thất nghiệp đã ra đời.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Vậy điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2015 gồm những gì?

Căn cứ vào Luật việc làm số 38/2013/QH13 ban hành ngày 16/11/2013 và Ngị định số 28/2015/NĐ-CP ban hành ngày 12/3/2015 ta có:

Đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đảm bảo các yếu tố sau:

điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
- Người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp khi ký các loại hợp đồng lao động:
+ Hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời gian
+ Hợp đồng lao động có thời hạn
+ Hợp đồng lao động theo mùa từ 3 tháng trở nên đến dưới 12 tháng.

- Bị chấm dứt hợp đồng lao động, mất việc làm trừ các trường hợp:
+ Người lao động đơn phương chấm dứt việc làm
+ Hợp đồng lao động trái với pháp luật
+ Người đang được hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở nên trong 24 tháng trước khi bị chấm dứt hợp đồng lao động (với hợp đồng lao động có thời hạn hoặc không có thời hạn).
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở nên trong 36 tháng trước khi bị chấm dứt hợp đồng lao động (với hợp đồng lao động theo mùa từ 3 tháng trở nên đến dưới 12 tháng).
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp và 15 ngày sau vẫn chưa có việc làm trừ các trường hợp:
+ Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Người lao động đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Người lao động bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
+ Người lao động ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Người lao động bị chết.

Một vài lưu ý về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động cần biết:

- Trường hợp người lao động ký hợp đồng với nhiều công ty thì đóng bảo hiểm thất nghiệp ở công ty đầu tiên ký hợp đồng lao động.
- Kể từ 1/1/2015 doanh nghiệp dù chỉ có 1 lao động cũng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp thay vì từ 10 lao động trở nên như trước đây.
- Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 2%. Trong đó người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1%. Mức lương tính để đóng BHTN không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng
Chi tiết: Mức lương thối thiểu vùng mới nhất hiện nay

- Người lao động phải nộp hồ xin hưởng BHTN trong thời hạn 3 tháng từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động (nếu sau quá 3 tháng sẽ không được xem xét)
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tóm lại để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn cần chú ý những vấn đề sau:
- Hiện đang bị thất nghiệp
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu 12 tháng
- Gửi hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lên trung tâm dịch vụ việc làm không quá 3 tháng từ ngày thất nghiệp.

Khi thỏa mãn những điều kiện trên thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

st

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Nghề nào cũng cần có cái tâm, sự nhiệt huyết. Nghề sale càng vậy!

"Trở lại nghề bán hàng, đó là môi trường tốt nhất để 1 đứa ngáo ngơ trở nên bản lĩnh. Làm sale, mình sẽ TỰ đào tạo mọi kỹ năng, từ phân tích tâm lý, đến ăn nói, nhậu nhẹt hát hò, đàm phán thương lượng, tung chiêu quánh phủ đầu...đến năn nỉ xuống nước thảo mai nịnh nọt. Vì bán hàng nó cực, nên thu nhập thường sẽ gồm lương cứng và hoa hồng. Lương cứng thì thường chỉ đủ sinh hoạt, thu nhập tích lũy là hoa hồng, nên sẽ là động lực thức khuya dậy sớm để làm. Nhân viên bán hàng được ví như là chiến sĩ ra mặt trận vậy, còn hậu phương là cán bộ chứng từ, logistic, kho bãi…

Nên này các bạn trẻ, dù tốt nghiệp ngành gì, đang thất nghiệp mà đứng trước cơ hội làm nhân viên bán hàng, đừng có ngại. Lao vô làm đi, sĩ diện làm gì. Thất nghiệp ăn bám mới nhục chứ đi làm là không có cái nghề nào cao hơn nghề nào.

Mình chịu cực khổ 1 thời gian sau đó ngon lành lắm. Nhưng cạm bẫy thương trường cũng nhiều, mình giỏi giang hóa chứ đừng có ma lanh hóa. Các bạn cứ nhìn 1 con diều bay cao như vậy, là nhờ cái sợi dây cột dưới đất. Nhiều lúc con diều nghĩ, thôi cắt sợi dây đi, sẽ bay cao vút lên trời xanh luôn. Sợi dây đó chính là tính kỷ luật, chính là đạo đức. Mà mình không có nó, sự bay cao chỉ là “cuốn theo chiều gió”, rơi xuống lúc nào không hay. Các bạn trẻ nhớ kỹ lời Tony dặn. DÙ LÀM GÌ Ở ĐÂU VỚI AI, đồng tiền mình làm ra phải là đồng tiền sạch, phải từ mồ hôi trí tuệ của mình. Thật thà chưa bao giờ là cha dại cả, trung thực là cái khôn ngoan nhất trong mọi khôn ngoan mà con người có thể nghĩ ra"

Trích Tony Buổi Sáng


Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Nhiều bạn trẻ không tìm được công việc phù hợp vì không biết mình thích làm gì, có khả năng làm gì.

“Đây là lần thứ tư em đến tìm việc ở sàn giao dịch việc làm. Tuy nhiên, lần nào em cũng không tìm được việc làm thích hợp. Nói thật lòng, em thấy báo đăng có tổ chức sàn giao dịch việc làm thì đến tìm thử coi có việc gì không, chứ cũng chẳng biết mình có thể làm việc gì”. Cô gái trẻ L.T.L.A ngập ngừng trả lời khi gặp chúng tôi tại sàn giao dịch việc làm, do Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên TP HCM tổ chức ngày 20/6.

Hy vọng “đổi đời”
Tương tự L.A là Trần Thị Thắm, đến từ quận 12, TP HCM. Thắm kể mỗi lần thấy báo đăng ở đâu sắp tổ chức hội chợ hoặc sàn giao dịch việc làm là cô lại lặn lội tìm đến, với hy vọng tìm được một công việc ổn định. Học xong lớp 11, Thắm phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình chăn nuôi, trồng trọt. Công việc vất vả nhưng thu nhập không bao nhiêu, nên nhiều lần cô muốn “đi làm trong cơ quan, xí nghiệp để đổi đời”.

Cách đây 7 tháng, Thắm xin được công việc trong một công ty chế biến thực phẩm ở quận Tân Bình, TP HCM, nhưng làm được 2 tháng thì phải nghỉ. “Công việc của em đòi hỏi phải đứng suốt ngày, tối nào về chân cũng sưng vù. Em không quen nên làm chậm, bị la hoài cũng nản. Làm được 2 tháng, em quyết định xin nghỉ vì không theo nổi”, cô hồn nhiên.

Lần gần đây nhất, Thắm xin làm nhân viên giao hàng của một công ty bán hàng qua mạng. “Mẹ em phải chạy vạy vay 5 triệu đồng để đóng thế chân cho công ty. Làm được 1 tháng, tiền lương lãnh ra trừ chi phí xăng xe, ăn uống, em chỉ còn dư 300.000 đồng. Thấy công việc cực quá, em không làm nữa. Đến giờ, em vẫn chưa lấy lại được tiền thế chân, vì người ta nói em phá vỡ hợp đồng. Trước đó, họ bắt em phải viết cam kết làm ít nhất 3 tháng mới được nghỉ”, cô kể.

Trả lời cho câu hỏi đây là lần thứ bao nhiêu đi tìm việc tại sàn giao dịch việc làm, cô gái trẻ lắc đầu: “Em không nhớ hết, chắc cũng khoảng 9-10 lần”!

“Thấy tuyển thì nộp đơn”
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Quốc Anh (quận 12), cho biết, nhiều lần phỏng vấn để tuyển lao động, ông nhận được những câu trả lời rất ngây thơ của ứng viên, như: “Em thấy công ty rao tuyển thì xin vô, chứ cũng chưa biết sẽ làm việc gì”, “Em nghĩ sau khi nhận vào thì công ty phải chỉ dạy rồi mới chính thức làm việc”.

Có thanh niên đã 22 tuổi mà khi đến xin việc phải có mẹ đi kèm. Mỗi khi nhân viên tuyển dụng của công ty hỏi, anh ta cứ quay sang hỏi lại mẹ. Thậm chí, có câu hỏi, bà mẹ trả lời thay cho con luôn! “Nói không phải quơ đũa cả nắm, rất nhiều thanh niên hoàn toàn không nghiêm túc khi đi tìm việc. Họ nghĩ được nhận thì tốt, không được nhận thì đi chỗ khác tìm. Thật tình mà nói, nếu nhận những người con cưng như vậy vô làm việc thì mình chiều không nổi đâu”, ông Sơn than phiền.

Để minh chứng cho chuyện kể của mình, ông Sơn mời chúng tôi tham dự một buổi phỏng vấn tuyển dụng của công ty. Hôm đó có 12 ứng viên dự tuyển vào 6 vị trí vận hành máy dập hộp carton đựng hàng xuất khẩu. Sau buổi phỏng vấn, có 4 người được chọn. Với 8 người bị đánh rớt, ngoài việc không trả lời được một số câu hỏi về chuyên môn, thì hỏi cái gì họ cũng “không biết”, “không quan tâm”.

Đơn cử là trường hợp ứng viên Ph.T.H (quê ở Vĩnh Long). Chị nhân viên nhân sự hỏi: “Tôi thấy trong hồ sơ bạn ghi là thích thể thao, vậy xin hỏi đội tuyển bơi lội Việt Nam tham dự SEA Games 28 có một nữ vận động viên rất xuất sắc, cô ấy tên gì?”. H. lắc đầu: “Em không quan tâm môn bơi lội”!

Sau khi bị đánh rớt, bước ra sân, khi chúng tôi hỏi có buồn không thì H. lắc đầu: “Có gì đâu mà buồn! Không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Mà họ hỏi cũng vô duyên, chuyện đứng máy thì liên quan gì đến SEA Games mà hỏi?”. “Chắc tại vì thấy bạn ghi trong hồ sơ tìm việc là thích thể thao...”, chúng tôi thăm dò. Anh ta nhún vai: “Bạn tôi bảo ghi cho đẹp hồ sơ thôi”.

Bà Nguyễn Ngọc Minh Châu, Giám đốc Công ty Tư vấn Nguồn nhân lực Sao Việt: Phải xác định thích việc gì, có thể làm gì...

Tôi đã tham dự nhiều sàn giao dịch việc làm để khảo sát xu hướng tìm việc của lao động trẻ hiện nay. Điều rất bất ngờ với tôi, là rất nhiều bạn trẻ đến sàn giao dịch hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm với tư tưởng “cầu may”. Đây là điều hoàn toàn không nên. Ít ra, các bạn phải xác định mình thích công việc gì và có khả năng làm gì. Có như vậy thì mới mong tìm được việc làm và bám trụ được với công việc.

- st Người Lao động


Có rất nhiều bạn đã gửi mail cho ad hoặc than vãn rằng môi trường đi làm phức tạp quá, tại sao mọi thứ không êm đềm như thời sinh viên....Đúng, môi trường công sở, xã hội luôn phức tạp như vậy và nó chả bao giờ là đơn giản cả.

Căn nguyên của sự phức tạp nó bắt nguồn từ cái gọi là TRÁCH NHIỆM và TIỀN BẠC. Nó gắn liền tới nồi cơm của từng người và hầu hết mọi người đều sợ TRÁCH NHIỆM và thích TIỀN BẠC nên mọi thứ nó luôn phức tạp, chứ không như hồi SV các bạn chơi và hoạt động cùng nhau không có 2 yếu tố này chi phối, nên nó rất là êm đềm.

Vậy, để sống sót được qua thời gian đầu mà không bị “đồng loại xa lánh” thì ít nhiều các bạn phải có kỹ năng MỀM.

Các kỹ năng như tiếng Anh, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ (không chỉ mỗi máy tính) thì đã có quá nhiều người nói rồi và tôi thì chỉ thích nói những điều mà chưa ai nói thôi...



....Bắt đầu...
1. KỸ NĂNG NHẬU:
Tuỳ từng văn hoá tổ chức mà tôi có quan điểm như sau muốn chia sẻ tới các bạn:

***Đối với các bạn nam:
Hãy sử dụng bia rượu 1 cách khôn ngoan và giữ hình ảnh của mình. Ai nên mời trước và mời trong hoàn cảnh nào (mọi tình huống phải mời trước mặt sếp bạn).v.v.v..Do đó, hãy cứ bình tĩnh, quan sát, đừng có thi nhau nhảy dựng lên cầm chai đi mời hết người này đến người nọ, chứng tỏ rằng mình tửu lượng cao.
Nói thật nhé, các bạn mới vào ai cũng tỏ ra mình nhiệt tình, mời hết sếp này đến sếp nọ…nhưng sếp nào cũng thế, không bệnh này thì bệnh nọ nên họ ko máu me như bạn nghĩ đâu. Hãy dành sức để khi đi chiến đấu thực sự.

***Đối với các bạn nữ:
Các bạn nên biết uống 1 chút để PHÒNG THÂN, vì các bạn khó có thể từ chối khi sếp bạn mời, TGĐ của bạn mời, TGĐ đối tác mời…nói chung bạn không thể thoát khỏi 2-3 chén đầu. Do vậy, chỉ cần đảm bảo các bạn biết uống để PHÒNG THÂN là đủ, còn lại bạn có quyền từ chối hết.

>>>> Hãy nhớ, trong thời gian đầu đừng có cố gắng chứng tỏ mình qua bia rượu. Bạn còn nhiều thời gian để làm điều đó 1 cách khôn ngoan.

2. KỸ NĂNG HÒA NHẬP:
*** Hãy tham gia hết các hoạt động của công ty cả chính thống lẫn phi chính thống và đảm bảo bạn có góp sức trong các hoạt động đó, đừng có đến rồi khoanh tay đi loanh quanh mà hay lao vào giúp và nói chuyện với mọi người .

*** Trong mọi tình huống, đừng bao giờ là người nhập cuộc đầu tiên mà hãy là người tham gia sau cùng. Bạn cần phải quan sát xem mọi người ứng xử thế nào để làm theo. Trong rất nhiều trường hợp, cuộc liên hoan sếp chưa kịp tuyên bố thì mấy bạn mới vào đã túm tụm “chiến đấu” trước rồi, điều đó sẽ để lại ấn tượng không tốt chút nào.

*** Bạn tiết kiệm là điều tốt, nhưng trong vài tháng đầu bạn đừng mang cơm đi mà hãy đi ăn với mọi người để hòa nhập và tạo không khí thân thiết.

*** Hãy mời mọi người 1 bữa liên hoan nhỏ khi bạn kết thúc thử việc, không cần phải hoành tránh nhưng đó là cái cớ để mọi người có thiện cảm với bạn và bạn có cơ hội nói chuyện nhiều hơn với mọi người.

>>> Hãy nhớ nguyên tắc, tìm mọi cách để HÒA NHẬP nhưng đừng bao giờ là người tham gia đầu tiên.

3. KỸ NĂNG HỎI:
*** Chọn người hỏi: Hãy chọn người vui vẻ, dễ tính và nhiệt tình để hỏi. Nên ưu tiên những người có cùng độ tuổi với bạn, điều đó sẽ thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều.

*** Chọn thời điểm hỏi: Trước khi hỏi hãy chắc chắn rằng người bạn hỏi đang rảnh hoặc sẵn sàng chia sẻ với bạn, đừng có sồn sồn lên chạy ra hỏi mọi thứ trong khi người ta đang bận bù đầu.

*** Cách thức hỏi: Hãy hỏi 1 cách chân thành và nghiêm túc, bởi vì đa số con người ta đều có tâm lý thích được thể hiện, nên các bạn hãy hỏi để họ có cơ hội được thể hiện.

Nhưng hãy nhớ, tìm hiểu kỹ trước khi hỏi, đừng hỏi lắt nhắt và những thứ vụn vặt, khi người bạn hỏi đã rảnh và chấp nhận hướng dẫn bạn thì hãy ra tận nơi, mang theo sổ và bút để ghi chép lại, 1 phần để không quên, 1 phần thể hiện bạn là người nghiêm túc.

>>> Luôn nhớ rằng phải CHÂN THÀNH. Lưu Bị từng 3 lần đến lều tranh đề xin Gia Cát Lượng giúp đỡ, do vậy người có tấm lòng chân thành không bao giờ bị phụ.

4. KIỀM CHẾ VÀ NHẪN NHỊN:
*** Hầu như các bạn sẽ bị sai vặt nhưng đừng bao giờ tỏ ra tức giận, bức xúc hay có thái độ không phải.

Tôi từng nhờ nhiều bạn làm việc vặt như đi lấy cái này cái nọ, đi làm cái nọ cái kia…nếu là người không biết kiềm chế và cạn nghĩ sẽ tỏ thái độ ngay nhưng nếu là người tinh ý bạn sẽ biết đó là cách người đi trước giúp bạn tác nghiệp dần với các phòng ban khác.
VD: Muốn lấy số công văn thì ra gặp ai? ai là người quản lý kho? Xuất cái này cái kia thì làm thế nào?

*** Hãy kiềm chế cơn giận: tuyệt đối không bao giờ phản hồi, trả lời ai khi đang nóng giận vì khi nóng giận bạn không còn giữ sự khéo léo nữa mà sẽ bật ra điểm yếu của các bạn. Đặc biệt là những cơn bực tức với đồng nghiệp cùng phòng, hãy kiềm chế để có hành xử đúng mực.

*** Hãy kiềm chế cái mồm của bạn: Tai họa từ miệng mà ra, cho nên trước khi bạn kể chuyện gì hoặc lấy chuyện gì làm quà hãy suy xét kỹ trước khi kể ra, vì nhiều khi mỗi người 1 ý bạn sẽ không lường trước được câu chuyện của bạn sẽ được hiểu theo hướng nào.

Bạn cũng nên cân nhắc trước khi trêu đùa ai, vì kỹ năng hài hước, duyên dáng không phải ai cũng có và chính bản thân bạn cũng không biết bạn vô duyên hay có duyên.

>>>> Kiềm chế là sức mạnh (mượn của TS. Lê Thẩm Dương), đó là công cụ để bạn lấy kiến thức của kẻ khác 1 cách nhẹ nhàng.

5. BIẾT CHO ĐI:
*** Hãy chủ động giúp đỡ người khác trong công việc, đừng có đến thì cắm mặt vào máy tính chờ đến giờ về lại cắp cặp về. Hãy để ý đến những người xung quanh bạn, hãy chủ động hỏi họ xem bạn có thể giúp được gì? Tôi cá là chả ai cần bạn giúp đâu nhưng 1 lời nói có sức tác động ghê gớm, nó thể hiện bạn là người biết quan tâm tới người khác. Tất nhiên, đừng có người nào cũng chạy ra hỏi “Cần em giúp gì không” lúc đó nó sẽ thành lố bịch khi bạn đang có dấu hiệu lấy lòng người khác.

*** Nếu đồng nghiệp của bạn có những khó khăn khác ngoài công việc mà bạn biết người có thể giúp hoặc có thể giúp thì đừng ngần ngại giúp họ.

Trung Quốc có câu rất hay rằng: “Một trong những cách cầu người hay nhất đó là gieo cho kẻ đó 1 món nợ”. Món nợ ở đây có thể là nợ tiền, vật chất hoặc nợ ân tình. Nếu các bạn giúp đỡ họ mà không tính toán gì, thì mai sau chẳng may bạn khó khăn cần trợ giúp thì họ sẽ vui lòng giúp lại bạn.

>>> Hãy nhìn Google, Facebook…họ giúp xã hội và người dùng 1 cách miễn phí nhưng họ vẫn giàu vì cho đi là cách nhanh nhất để bạn nhận về.

6. HÃY BIẾT ƠN:
Hãy biết cám ơn những điều nhỏ nhặt, cám ơn đồng nghiệp, cám ơn sếp.v.v.v.Đó là cách các bạn tôn trọng người khác. Kể cả khi bạn đã nghỉ việc thì thỉnh thoảng nên gọi điện hỏi han sức khỏe, hỏi han công việc những đồng nghiệp cũ, sếp cũ để thể hiện rằng bạn vẫn biết ơn họ.

Không cần quà cáp, đến nhà hay gì đó ghê gớm, mà chỉ cần 1 cuộc gọi đúng thời điểm và hợp lý là đủ. Có thể sẽ có những người bạn không ưa, nhưng hãy để trong bụng, bạn không ưa họ nhưng họ lại quý bạn chẳng phải tốt hơn sao?
…………………………………….

>>>> Có thể bạn thấy áp lực khi đọc xong những điều trên nhưng đó là cuộc sống, bạn không thể trách cuộc sống sao quá phức tạp, mà chỉ có thể trách mình không thể thích nghi được. Bạn nên nhớ, quãng thời gian đầu mới làm việc là thời gian quan trọng nhất, vì ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng là thứ khó quên nhất, nó theo con người ta rất lâu.

Có câu nói rất hay trên mạng mà tôi biết chính xác tác giả là ai (nếu ai biết thì comment giùm nhé): “Lý trí có hàng trăm con mắt, nhưng khi yêu tất cả đều đóng lại”. Trong thời gian đầu, bạn đang bị người khác đánh giá bằng lý trí.

Vậy hãy khôn ngoan nép mình lại, nếu trong thời gian này bạn tạo được ấn tượng tốt, mọi người đều yêu quý bạn thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và đương nhiên để được yêu thì bản thân bạn phải đáng yêu trước đã.

st